CEO Lâm Anh Tú, người sáng lập Công ty Hoa Nắng cho biết tại thời điểm gọi vốn vào năm 2018, dự án của Hoa Nẵng chỉ nhận được cái gật đầu quan tâm từ Shark Louis Nguyễn trên truyền hình.

10 tỷ đồng xoay chuyển cục diện

Lý do mà các Shark không mấy mặn mà, phớt lờ đầu tư vào nông nghiệp trồng lúa hữu cơ của Hoa Nắng là bởi họ nhìn thấy việc đầu tư trong lĩnh vực lúa–gạo hữu cơ còn khá bấp bênh và nhiều rủi ro. Hơn nữa “niềm tin” vào một nền nông nghiệp sạch Việt Nam còn mơ hồ, xa lắc.

Tình hình càng khó khăn hơn khi cổ đông lớn nhất của Hoa Nắng quyết định ngừng đi cùng. Hai thành viên đồng sáng lập công ty Hoa Nắng là Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An đang trong tâm trạng rối bời, bởi
tâm huyết đeo đuổi khởi nghiệp nông nghiệp sạch nhưng không có vốn thì khó mà đạt được ước mơ. Khi đó, họ chỉ còn đặt hy vọng le lói vào Shark Louis Nguyễn - Chủ tịch HĐQT/TGĐ Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) vì đã có hứa trên truyền hình…

Từ lời hứa đến hiện thực, Hợp đồng giữa họ cũng được ký chính thức vào trung tuần tháng 11/2018, SAM đã rót vào Hoa Nắng 10 tỷ đồng. Nói về thương vụ này, Shark Louis Nguyễn trả lời một cách tự tin: Thứ nhất, tôi quan tâm đến tình hình an toàn thực phẩm và nhận thấy tiềm năng của thị trường thực phẩm hữu cơ Việt Nam còn rất lớn. Thứ hai, tôi đánh giá cao sự trung thành và tận tâm của hai bạn trẻ. Tiềm năng và tâm huyết là những tố chất cần thiết trong kinh doanh.

Đa dạng sản phẩm hướng đến cộng đồng

Sau nhiều lần hẹn gặp, cuối cùng CEO Lâm Anh Tú cũng dành cho tôi 1 tiếng đồng hồ, khi Tú đang trên đường từ Long An trở về thành phố.

- Chào CEO Lâm Anh Tú, độc giả Doanh Nhân rất háo hức muốn biết từ khi Hoa Nắng nhận được khoản đầu tư từ Shark Louis Nguyễn đã có sự chuyển mình như thế nào?

(Cười)! Hoa Nắng được hồi sinh từ khi nhận được gói đầu tư từ Shark Louis Nguyễn. Vì thực tế, trước khi lên Shank –Tank gọi vốn, Hoa Nắng gần như rơi vào nguy cơ phá sản. Sau khi có nguồn vốn này, Hoa Nắng đã tiếp tục đầu tư vào vùng trồng lúa tại Thạch Phú –Bến Tre và phát triển mới vùng trồng tại Long An.

- Tú có thể cho biết cụ thể hơn hiệu quả từ thương vụ đầu tư mới này như thế nào?

Hiện tại, diện tích canh tác lúa của Hoa Nắng có khoảng 300 ha, cho năng suất gạo hữu cơ bình quân khoảng 500 tấn mỗi năm và chủ yếu phục vụ kênh tiêu thụ nội địa. Hoa Nắng đã có mặt tại 400 điểm bán, gồn 120 siêu thị cùng các sàn thương mại điện tử trong nước. Đối với các sàn quốc tế như Amazon, Walmart, Ebay, Google Shopping, Etsy, Rakuten...

sản phẩm được phân phối thông qua đối tác Vietsway. Gạo Hoa Nắng trở thành nguồn cung cho các đơn vị chuyên chế biến sau gạo xuất khẩu như bánh phở, hủ tiếu, bánh tráng… Ngoài ra, Hoa Nắng đã phát triển thêm sản phẩm đường mật mía hữu cơ, có vùng trồng nguyên liệu tại Lào.

- Thông thường các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với mục tiêu cho thị trường xuất khẩu, trong khi gạo hữu cơ Hoa Nắng có vẻ thiên về tiêu thụ nội địa?

Quả thực, ban đầu khi chúng tôi đeo đuổi trồng lúa hữu cơ, gạo hữu cơ với mục tiêu là xuất khẩu. Do vậy hiện nay, Hoa Nắng đang có sản phẩm gạo Hoa Nắng 100% hữu cơ chính thức năm 2014 và được chứng nhận hữu cơ USDA và EU từ năm 2017 đến nay. Nhưng vì sản lượng thấp, giá thành cao nên không cạnh tranh nổi với gạo hữu cơ Thái Lan, Camphuchia… trên thị trường quốc tế nên trước mắt chúng tôi tập trung tiêu thụ tại thị trường nội địa.

- Làm nông nghiệp hữu cơ ai cũng cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Với Tú thì sao?

Tôi cho rằng có một số khó khăn. Thứ nhất, phải tìm kiếm vùng trồng phù hợp trồng lúa hữu cơ; Thứ hai, phải mất thời gian ít nhất là ba năm để cải tạo đất; Thứ ba, là thuyết phục bà con nông dân cùng chung tay vì nông nghiệp sạch, vì thông thường, ruộng đồng thuộc sở hữu của bà con nông dân là chính. Thứ tư, là diện tích còn quá manh múm nên rất khó cơ giới hóa để tăng năng suất đơn cử như 200 ha tại huyệnThạch Phú (Bến Tre) có đến 5 xã thuộc quản lý 150 hộ nông dân. Ngoài ra, phân bón hữu cơ phải nhập khẩu từ Ý, sạ, cấy cũng thưa so với sạ lúa thường, các công đoạn khác như cày cấy, gieo hạt, thu hoạch… đều làm bằng thủ công…

- Canh tác lúa hữu cơ khó khăn như vậy. Tú bằng cách nào để thuyết phục được nông dân cùng chung mục tiêu với mình?

Đã chấp nhận làm nông nghiệp sạch đồng nghĩa với việc bắt buộc phải chấp nhận những khó khăn đó. Xu hướng sử dụng thực phẩm hữu cơ đang dần phổ biến chính là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển hướng, khuyến khích bà con trồng theo quy trình mới. Giá thành thu hoạch lúa hữu cơ cao hơn nhiều so với lúa canh tác thường nên bà con nông dân cũng phấn khởi, yên tâm cùng chúng tôi sản xuất.

- Cơ duyên nào khiến Tú quyết tâm đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ khi còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trên thương trường?

Trước khi thành lập Công ty Hoa Nắng tôi đã từng làm việc tại ngành lương thực của Tập đoàn Lộc Trời nên ít nhiều cũng học hỏi từ đó. Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu lúa gạo lớn nhất nhì trên thế giới nhưng khi tiếp cận với những thị trường khó tính thường hay bị trả hàng về do chỉ tiêu hàm lượng thuốc bảo vệ thức vật không đảm bảo. Hơn nữa, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm hữu cơ càng ngày càng tăng trên thế giới tôi cũng có mong muốn mình làm gì đó có thể giúp nông dân tạo ra sản phẩm tốt cho người tiêu dùng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.

Hơn nữa, cũng bởi vì tôi nghĩ mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ.

- Xin cảm ơn bạn đã tham gia buổi trò chuyện này!