Thông qua những hoạt động khởi nghiệp trong nhà trường, những hạt giống nhỏ khởi nghiệp được ươm mầm, trở thành những doanh nhân tương lai. 

Trao giải cho Quán quân Cuộc thi Startup Wings 2021 – Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - HUTECH

Đã có ý kiến cho rằng hoạt động ươm tạo trong trường đại học khoảng 3 tháng, chủ yếu phục vụ cho cuộc thi khởi nghiệp nên gặp khó trong quá trình triển khai, khả năng phải “chết” rất cao. Điều này đồng nghĩa, dự án khởi nghiệp của sinh viên chỉ mang tính chất thử nghiệm, không thể thương mại hóa, từ đó đòi hỏi thực chất việc triển khai các hoạt động khởi nghiệp, việc tạo dựng hệ sinh thái trong trong trường đại học/cao đẳng.

Mô hình kiềng 3 chân

Chị Lê Hồng Hạnh. cán bộ Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp - Trường Cao đẳng Công Thương TP HCM cho biết: Trung tâm Khởi nghiệp của trường sinh sau đẻ muộn so với nhiều trường đại học/cao đẳng trên địa bàn thành phố. Mục tiêu đầu tiên mà Ban giám hiệu giao nhiệm vụ cho Trung tâm khởi nghiệp là tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường.

Hiện mô hình Trung tâm khởi nghiệp của Trường Cao đẳng Công Thương gồm 3 trụ cột chính (ví như kiềng 3 chân): đó là nhân sự - con người điều hành hoạt động Trung tâm; các cố vấn sẽ làm nòng cốt, được tuyển chọn ở mỗi khoa chuyên ngành có ít nhất 1 người; các cựu sinh viên hiện đang là những doanh nhân.

Trung tâm ra đời sẽ đẩy mạnh triển khai nhiều hoạt động khởi nghiệp liên quan, trong đó, cuộc thi khởi nghiệp là một trong những hoạt động nổi bật cùng với việc tập huấn cho các nhóm dự án tham dự các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường phát động. Bên cạnh đó, Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng tinh thần khởi nghiệp tới các bạn sinh viên thông qua các buổi tọa đàm cùng với các anh chị doanh nhân thành đạt là sinh viên cũ của trường.

Tuy nhiên, điều trăn trở của trường Cao đẳng Công Thương TP HCM cũng như một số trường đại học hiện nay là làm sao có nhiều dự án khởi nghiệp của sinh viên triển khai thực tiễn. Mặt khác, trường cần có chính sách hỗ trợ, tạo mối liên kết nhằm chuyển đổi các đề tài nghiên cứu khoa học thành dự án khởi nghiệp giúp tăng cường quan hệ giữa nhà nghiên cứu – người triển khai, và trên hết thắt chặt mối quan hệ giữa Trung tâm với Phòng Nghiên cứu Khoa học – Công nghệ của trường. Xây dựng được kiềng 3 chân, các trường coi như đã tạo dựng được hạt nhân cho hệ sinh thái của mình.

Tận dụng các sức mạnh trong trường

Lý giải về sự cần thiết cần tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học, ông Lý Đình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo Sông Hàn nhấn mạnh: “Qua 7 năm hoạt động của Sông Hàn Incubator, tôi rút ra bài học rằng khởi nghiệp không chỉ hỗ trợ cho các founder (người sáng lập) mà còn hỗ trợ những startup khác trong nhóm dự án - những cộng sự cho founder sẽ trở thành nguồn nhân lực cao, đóng góp sức lực cho nền kinh tế”.

Ông Lý Đình Quân cũng đề cập đến việc thương mại hóa (tài năng, các nghiên cứu khoa học) trong trường học để giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ của thế giới và quốc gia...